CỐM MINH AN - ĐẶC SẢN MỄ TRÌ

Cốm Minh An HOTLINE: 098 936 95 84

Cốm Minh An TÌM KIẾM

NGHỀ LÀM CỐM Ở MỄ TRÌ

     

Nghề chi ba vốn bốn lời

Theo nghề làm cốm cho đời ngọt thơm

Đó là câu thơ vui mà rất nhiều người Mễ Trì thuộc lòng vì nó nói về nghề truyền thống của làng : Nghề làm cốm.

Ngày hội làng cốm năm 2015

 Hàng năm cứ tầm tháng 3 và tháng 7 âm lịch, khi ngoài đồng những bông lúa nếp đã đọng sữa đặc, hơi uốn câu là làng Mễ Trì lại rộn ràng vào vụ cốm. Nghề này của làng, đến nay đã có lịch sử hàng trăm năm, trong làng có nhà 3,4 đời theo nghề. Tuy cốm là một thức quà được miêu tả bằng vô vàn mỹ từ nhưng nghề làm cốm, từ xưa đến nay vẫn là một nghề vất vả với nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Chọn lúa nếp.

 Nhiều loại lúa nếp làm được cốm như nếp thơm, nếp nhung, nếp cau... nhưng người làm cốm Mễ Trì chỉ chọn loại lúa nếp cái hoa vàng vì loại lúa này cho chất lượng cốm ngon dẻo thơm bậc nhất. Ngày xưa ruộng quanh làng thẳng cánh cò bay, đến vụ người Mễ Trì chỉ việc ra đồng gặt về. Còn giờ ruộng dự án lấy gần hết, muốn mua thêm nếp phải đi tận Sóc Sơn, Đông Anh, Vĩnh Phúc...mới có. Vất vả lắm vì ngoài công vận chuyển còn phải canh làm sao để mua được loại thuần nếp, không lẫn một bông lúa tẻ, được cắt đúng thời điểm bởi nếu lúa già cốm sẽ vàng và bị nát còn nếu lúa non quá sữa chưa đủ đặc, cốm sẽ bị bết nhão.
Nhặt lúa làm cốm

Tuốt hạt, đãi thóc và rang lúa.

 Lúa mang về được tuốt hạt rồi sàng qua sau đó đãi lại trong bể nước cho hết hoàn toàn hạt lép, để ráo rồi đổ vào chảo rang. Đây là loại chảo gang đúc lớn, đảm bảo giữ nhiệt tốt. Và phải rang thủ công bằng củi chứ không dùng bếp ga, bếp điện.(Vậy nên quanh làng Mễ Trì rất nhiều ngõ có chất những đống củi to đùng phủ bạt).

 Quá trình rang thể hiện đẳng cấp tay nghề người làm cốm. Khi mới rang lửa phải to, khi cốm tái lại phải giảm lửa để cốm chín đều - nếu lửa to thì cháy cốm mà lửa nhỏ cốm chín không đạt yêu cầu. Quyết định rang đến khi nào xong mẻ cũng là việc vô cùng quan trọng. Nếu chưa chín tới cốm sẽ bị dính nếu chín quá cốm bị khô. Thật là công phu!

 Để kiểm tra độ chín của cốm, người thợ thử bằng cách đặt 5-6 hạt thóc lên mặt một miếng gỗ, dùng ngón tay siết mạnh nếu thấy hầu hết hạt thóc đã róc vỏ nhưng không bị quằn lại là đạt yêu cầu.

 Rang xong đến công đoạn xát vỏ. Công đoạn này giờ đã có máy móc làm thay nhưng người thợ vẫn phải đứng canh nếu không lúa xuống nhiều sẽ bị nghẽn cối. Sau đó đến công đoạn quan trọng thứ nhì sau rang cốm.

Bếp củi rang cốm

Giã cốm.

 Giã cốm phải giã đều tay, lực vừa phải, và đảo liên tục. Nếu giã mạnh quá đảo không đều cốm sẽ nát. Giã xong đem ra sàng sảy cho hết trấu rồi giã tiếp. Tùy độ non của cốm, người thợ phải giã -sàng -sảy từ 5-7 lần mới sạch trấu hoàn toàn, mới ra được mẻ cốm dẹp và mỏng như lá me non.

Cối giã cốm

Cốm Mễ Trì thành phẩm.

 Cốm thành phẩm được gói bằng hai lớp lá. Lớp trong là lá ráy hoặc lá đót để  cho cốm mát và giữ nguyên màu xanh ánh hổ phách. Lớp ngoài là lá sen để cốm tỏa mùi thơm dịu hiền của lúa non, thơm ngọt ngào của đồng nội. Vậy nên có người con xa quê từng nói cầm gói cốm trên tay thấy được cả quê mình. Có thảm lúa chín vàng rực bên đầm sen xanh thơm ngát, có bóng dáng người nông dân cần cù trên cánh đồng quê hương.

 Ngày nay, với bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo của các nghệ nhân, cốm đã được biến tấu thêm nhiều món ăn ngon : xôi cốm, chả cốm, bánh cốm...

Cốm dẻo Mễ Trì

 Cốm là thức quà dân dã nhưng lại thanh nhã, trân quý, mang phong vị rất riêng của Hà Nội xưa và nay đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa của mảnh đất kinh kỳ. Để gìn giữ những giá trị của cốm, năm 2017 UBND TP Hà Nội đã trao cho làng  Mễ Trì danh hiệu " Làng nghề truyền thống Hà Nội". Đến năm 2019  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa Nghề cốm Mễ Trì vào Danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là những sự động viên khích lệ tinh thần để mỗi người dân Mễ Trì thêm yêu quý tự hào và tâm huyết với nghề làm ra những hạt cốm xanh, hạt ngọc của đất trời.

Danh hiệu làng nghề cốm

 

 

messenger zalo call