Chả cốm, một chút hương xưa
Chả cốm là món ngon biến tấu từ cốm. Mặc dù nhà văn Vũ Bằng gọi những thứ làm từ cốm là " một chút hương thừa" thì cũng chẳng sao. Món chả cốm lẫy lừng không vì thế mà giảm giá trị.
Chả cốm là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Việt, đặc biệt là người miền Bắc. Nó có mặt trong các đám cỗ, tiệc thậm chí hiên ngang xuất hiện cạnh bát mắm tôm của món bún đậu mắm tôm ở các quán từ bình dân đến sang trọng, từ quán phố cổ đến phố hiện đại. Cốm kết hợp với mắm tôm - một sự tồn tại phi lý nhưng nghiễm nhiên tồn tại, tạo nên một món bún ngon, dễ gần dễ yêu, nổi tiếng từ Bắc vào Nam.
Nhà văn Thạch Lam từng viết, đại ý : cái thanh của cốm không nên đặt cạnh cái tục của thịt. Nhưng trong bữa cơm sum họp gia đình giữa mùa thu se se lạnh, cắn miếng chả cốm nóng hổi bên ngoài vàng xuộm giòn rụm, bên trong đậm đà vị bùi béo của thịt quyện hương vị dẻo thơm của cốm, người ta đành phải tạm quên mình đã từng đọc, từng biết đến một quan điểm mỹ học về văn hóa ẩm thực của một nhà văn nổi tiếng.
>>> Xem thêm : Ngọt ngào bánh cốm Mochi
Trong văn thơ, ca dao có rất nhiều món ăn dân dã được lưu truyền: con gà cục tác lá chanh; râu tôm nấu với ruột bầu; tay bưng đĩa muối chấm gừng; nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương... đến cả món ăn từ loài chó cũng được các cụ ca tụng, luyến nhớ : Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?...Chả cốm vốn không phải là một món ăn có bề dày lịch sử như các món trên, nhưng với những giá trị hiện tại không thể phủ nhận hay thay thế, nó xứng đáng có được một vị trí trang trọng trong nền ẩm thực phong phú, tinh tế của đất nước hình chữ S thân thương này.
Copyright : Cốm Minh An