CỐM MINH AN - ĐẶC SẢN MỄ TRÌ

Cốm Minh An HOTLINE: 098 936 95 84

Cốm Minh An TÌM KIẾM
Trà đá vỉa hè-góc nhỏ bình yên của Hà Nội
11/12/2022

Trà đá vỉa hè-góc nhỏ bình yên của Hà Nội

  Người Hà Nội nổi tiếng cầu kỳ tỉ mỉ trong phong cách sống cũng như ẩm thực. Nhưng có một loại hình ăn uống rất phổ biến tại Thủ đô được họ dành cho sự ưu ái đặc biệt, không đặt ra một qui định khắt khe nào : đó là trà đá vỉa hè.

Đồ nghề trà đá

Quán cóc liêu xiêu một câu thơ

 Ở Hà Nội quán trà đá xuất hiện ở khắp nơi: trên đường lớn, ngõ nhỏ, góc phố yên ả, bến xe ga tàu náo nhiệt, cổng công trường bụi bặm... Đồ đạc của quán rất giản dị, chỉ cần một cái bàn, ít ghế thấp, vài lọ đựng kẹo lạc, hướng dương, hộp kính thuốc lá, điếu cày, thêm một nụ cười tươi hiền hậu của người bán nữa là hoàn hảo.

 Trái với "trang thiết bị" đơn sơ, khách ở đây rất đa dạng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, học vấn, địa vị : từ cụ già, người trung tuổi, đám sinh viên, anh kỹ sư công trường, người buôn bán, nhân viên văn phòng, bác xe ôm...Trang phục cũng chẳng cầu kỳ, đặc biệt là mùa nắng, nhân viên văn phòng sơ mi cà vạt chỉn chu cắn hạt hướng dương tanh tách bên các cụ các bác quần đùi áo cộc dép tổ ong, các bác gái tuổi sồn sồn má phấn môi son ăn mặc diêm dúa, các anh xe ôm công nghệ áo đủ màu theo hãng xe : xanh, đỏ, cam, vàng...rất vui mắt.

Đại sứ Thụy Điển uống trà đá

 Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg bên cốc trà đá vỉa hè.

 Nhưng thực sự, nếu chỉ có vậy thì trà đá chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một loại hình kinh doanh vỉa hè, là thú vui nhỏ của một bộ phận người dân có chút thời giờ rảnh rỗi mà thôi.

 Hồn cốt của văn hóa trà đá là những câu chuyện "trên trời dưới biển" được nói ở đây. Ở quán trà đá người ta có thể nói đủ mọi chuyện, từ chuyện gia đình nhà cửa đến chuyện cơ quan, khu phố, chuyện bóng đá lô đề, bàn bạc những công việc giao dịch làm ăn nghiêm túc, bình luận chiến sự Trung Đông hay bầu cử Mỹ...Thậm chí cả vấn đề chính trị quốc gia thâm sâu cũng được đem ra mổ xẻ, dung dị hóa, bình thường như một mặt tất yếu của đời sống xã hội. Chả ai đánh thuế hay đi báo công an cả!...Thành ra cái quán bé tí tẹo gánh đủ hỉ nộ ái ố của bao người, thẩm thấu bao ấm lạnh nhạt nồng của nhân tình thế thái, những đổi dời của thế sự nhân gian. Và văn hóa trà đá - văn hóa vỉa hè cứ vậy trường tồn theo chiều dài lịch sử của mảnh đất kinh kỳ.

Chuyện trò bên ly trà đá

Mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận

 Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, với giọng điệu hài hước thâm thúy và có chút suồng sã từng nói, đại ý : bán hàng nước là nghề có tỉ suất lợi nhuận cao nhất Việt Nam!...không biết có đúng không? Chỉ biết rằng một cốc trà với khoảng 200ml trà nóng hoặc 200ml cả trà cả đá, vốn sản xuất chỉ tầm 300 đồng nhưng được bán ra với giá 3000 đồng, có nơi thậm chí bán 5000 đồng. Cộng thêm lãi từ việc bán bánh trái, hạt hướng dương, kẹo lạc, các loại nước khác, với quán đông ngày hàng trăm lượt khách, chủ quán thu tiền triệu một ngày là bình thường. Ngoài ra một số chủ quán nhanh nhạy còn kiêm thêm vài việc khác, ví dụ như  chỉ trỏ môi giới nhà đất - vì không nơi đâu thông tin nhiều và đa chiều như ở quán nước. Nếu giao dịch thành công, cả người bán lẫn người mua đều "cảm ơn", người chỉ trỏ cũng có thêm thu nhập.

Trà đá vỉa hè Hà Nội

 Ở đầu làng Mễ Trì có hai vợ chồng bán trà đá nuôi 3-4 đứa con học rải từ mẫu giáo đến cấp 3. Quán của họ ngoài trà nước còn có đĩa trứng luộc, buộc bánh gai và úp thêm bát mì tôm phục vụ bác nào lửng chiều đói bụng. Kể cũng hợp lý, trời chiều đông giá rét, sau cuốc xe mệt nhoài được ngồi nghỉ chân húp bát mì nóng thơm ngào ngạt. Phải nói là tỉnh hết cả người!

 Cách đó không xa, mặt đường Phạm Hùng cũng có hai vợ chồng, vợ bán nước chồng chạy xe ôm. Do bản tính thật thà cùng sự năng động, anh chị dần dần đưa quán nước nhỏ của mình trở thành điểm thả hàng của các xe khách từ phía Nam lên Hà Nội. Chị vừa bán nước vừa kiêm việc nhận hộ hàng còn anh chở đi giao cho khách quanh Hà Nội. Hơn chục năm chăm chỉ làm lụng anh chị xây nhà to ở quê, nuôi ba con học xong đại học lại còn có ít vốn giắt lưng lo tuổi già.

Góc bình yên trà đá Hà Nội

Hình ảnh quán trà đá trong văn học

 Xưa trẻ con hay hát bài đồng dao : "Bắt chân chữ ngũ. Đánh củ khoai lang. Bớ mụ hàng! Cho ta bát nước!..." không biết ý tứ là khen lối sống bình dị thư thái của người nông dân hay chê trách một người thô lỗ vào quán uống nước (có lẽ là nước chè xanh) và nghênh ngang gọi chủ quán : Bớ mụ hàng!...

 Quán nước cũng xuất hiện trong truyện cổ tích Tấm Cám. Hẳn chúng ta chưa quên bà cụ hàng nước phúc hậu đã khấn câu : "Thị ơi thị rụng bị bà..." để cô Tấm có cơ hội trở lại làm người lần nữa. Cũng chính cụ dâng vua đĩa trầu têm cánh phượng, sau đó cô Tấm được gặp lại đức lang quân của mình.

Tranh vẽ cô Tấm và bà hàng nước

 Trong tác phẩm " Hà Nội 36 phố phường " nhà văn Thạch Lam cũng nhắc đến " hàng nước cô Dần " bán nước chè đường. Theo nhà văn " cái phong vị bình dân và mộc mạc của các cô hàng nước, cùng với các cô hàng xén kĩu kịt đi chợ Đông, chợ Đoài, là cái tinh hoa thuần túy của người Việt Nam từ xửa xưa đến giờ "

 Nổi tiếng nhất là " quán cóc liêu xiêu một câu thơ " trong bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa " do nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ thơ Bùi Thanh Tuấn. Không biết quán cóc liêu xiêu hay câu thơ gầy liêu xiêu? Dù sao cũng là một cách nhìn Hà Nội chan chứa yêu thương của người nghệ sĩ.

Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh

Góc bình yên của Hà Nội

 Trà đá không phải là thức uống cao sang, cũng không nằm trong danh mục nghệ thuật trà của Việt Nam. Nhưng trong quán cóc đơn sơ, những câu chuyện tưởng như chỉ chém gió cho vui lại rất lắng đọng, tưởng như tầm phào lại phản ánh sâu sắc tâm tư đời sống con người. Bên cốc trà đá vỉa hè, sống chậm lại, cảm nhận sự bình yên giữa phố thị náo nhiệt là nét văn hóa bình dân rất đỗi thân thương của người Hà Nội.

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa

Copyright : Cốm Minh An

                                                                

 

BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Làng Mễ Trì ( nay thuộc phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm ) là một làng có nghề làm cốm lâu đời tại Hà Nội. Những hạt lúa nếp non ngậm sữa , qua nhiều công đoạn với kỹ thuật cổ truyền, cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đã trở thành một món quà đặc sản mộc mạc mà thanh tao , thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của người Hà Nội.

Đọc tiếp

Hình ảnh Cốm Mễ Trì

Bài viết liên quan

Sự khác nhau giữa cốm Vòng và cốm Mễ Trì

  Trên một trang bán cốm Vòng người ta viết : " Lưu ý Quý khách hàng đừng nhầm lẫn giữa cốm làng Vòng chính gốc với cốm được sản xuất ở các địa phương khác : Ví dụ như cốm Mễ Trì, cốm ở Thái B...

Sản xuất và bán hàng tại làng cốm Mễ Trì

 Cốm ở đâu giữa lòng Mễ Trì?  Nếu tham quan các làng nghề bạn sẽ gặp các sản phẩm của làng trưng bày ở nhiều không gian. Ví dụ vào Vạn Phúc bạn sẽ được ngắm các dải lụa rực rỡ treo dọc ph...

Trà đá vỉa hè-góc nhỏ bình yên của Hà Nội

  Người Hà Nội nổi tiếng cầu kỳ tỉ mỉ trong phong cách sống cũng như ẩm thực. Nhưng có một loại hình ăn uống rất phổ biến tại Thủ đô được họ dành cho sự ưu ái đặc biệt, không đặt ra một qui đị...

messenger zalo call