CỐM MINH AN - ĐẶC SẢN MỄ TRÌ

Cốm Minh An HOTLINE: 098 936 95 84

Cốm Minh An TÌM KIẾM
Trẻ con ngóng tết
19/01/2024

Trẻ con ngóng tết

  Với tôi, quãng đời tuổi thơ luôn đầy ắp kỷ niệm về những cái tết nghèo mà vui khôn tả. Thực ra khi đã lớn lên, hưởng cuộc sống vật chất đủ đầy, quay nhìn lại quá khứ thì nói rằng đó là "tết nghèo". Chứ hồi ấy, tết đến là trẻ con cả xóm vui sướng như phú ông được mùa, có thấy nghèo, thấy khổ tí nào đâu!...

Niềm vui quần áo mới

 Tôi nhớ hồi ấy, những ngày gần tết, việc của tôi khi vừa ngủ dậy là đi xé lịch và bấm đốt tay đếm ngược thời gian tết đến. Thằng Sơn nhà bên còn xé một lúc 6 tờ, báo hại bị bà nó đét cho mấy roi vào mông. Ngày ấy trong xóm nhà nào cũng 4-5 đứa con và hầu hết là túng đói. Giáp tết, các bố các mẹ chạy ngược chạy xuôi lo vay mượn giật tạm, bán lúa bán lợn, bán cả chó mèo sao có chút tiền sắm tết cho con và trả bớt nợ trót mắc trong năm.

 Nhưng bọn trẻ thì đâu cần biết những việc lớn ấy, chúng chỉ biết là tết sắp đến. Mà tết- đầu tiên nghĩa là được mặc quần áo mới! Có gì đâu, quần là quần vải xanh chéo còn áo bằng vải gì đó được hồ cứng đơ, mặc vào cứ sột soạt sột soạt. Ấy vậy mà đứa nào có quần áo mới thì sướng lắm, cất thật kỹ đến đúng sáng mùng 1 mới dám mặc. Tôi nhớ nhà chú Ban hàng xóm 5-6 đứa con thường chỉ 3 đứa lớn là có quần áo mới, hoặc đứa có áo thì thôi quần, đứa được quần thì thôi áo, mấy đứa em nhỏ toàn mặc lại đồ của anh chị, áo dài lút mông còn quần cạp gần tới nách.

Đụng lợn - ngày hội xóm

 Nhưng niềm vui có quần áo mới không lớn bằng niềm vui vào cái hôm đánh đụng thịt lợn. Ngày ấy, thường nhà nào cũng nuôi một con lợn, không có cám tăng trọng như bây giờ mà cho ăn cám gạo, khoai, bèo, thân cây chuối...(Vậy nên tuổi thơ của thế hệ 7x-8x luôn ám ảnh với việc băm bèo tây, thái khoai ngứa, lặn sông vớt rau tóc tiên, rau răng cưa, nấu những nồi cám lợn to đùng). Phần đa các gia đình cuối năm sẽ bán lợn lấy tiền sắm tết, trang trải nợ nần. Chỉ một số nhà mới để lại cho đánh đụng ( tức 4-5 nhà chung nhau làm thịt con lợn ấy rồi xẻ thịt chia phần).

 Cái ngày làm thịt lợn thực sự là một ngày hội. Từ tờ mờ sáng lợn đã kêu éc éc váng cả xóm, và cứ chỗ nào có tiếng éc éc thì sẽ có một lũ trẻ lau nhau đứng chầu rìa. Chúng tò mò và sợ hãi đứng nhìn một bác cầm dao bầu chọc tiết con lợn đang bị trói và bị mấy thanh niên giữ chân. Những người lớn khác thì bận rộn mỗi người một việc, người đun nước làm lông, làm lòng, người ngả nia, cắt lá chuối, chuẩn bị dao thớt, phụ nữ nhặt rau, giã lạc, sắp bát...

 Loáng một cái những bát tiết canh đỏ tươi rắc lạc và rau thơm đã đánh xong, bày la liệt, cái bong bóng được ưu tiên cho trẻ con nhà chủ bơm lên đá bóng, túi mật cho nhà có người ốm hoặc ông nào ngâm rượu. Khoảng 9-10 giờ trên cái nia trải lá chuối thịt đã được chia gọn ghẽ thành 4-5 phần, tùy theo số hộ đánh đụng. Mà tài lắm nhé, phần nào cũng có đủ cả thịt, mông, thủ, lòng, đùi...Chỉ có tiết canh và nước xáo là không chia, nhà ai ăn thì bưng về.

 Trưa hôm ấy, trên mâm cơm của các nhà đụng lợn bày đầy thịt, lòng, sỏ cho trẻ con ăn nhòe luôn, đứa nào đứa nấy môi bóng lừ mỡ, mặt phởn phơ. Còn buổi chiều thì đến lượt cái bếp vui và bận rộn. Tôi thường được mẹ giao một việc dễ nhất là rán mỡ. Những miếng thịt mỡ trắng phau xếp vào chảo đun lửa liu riu một hồi là mỡ chảy ra thơm phức còn những miếng tóp mỡ thì giòn tan béo ngậy. Mẹ tôi tất bật ngâm mộc nhĩ, rửa mo cau, bó giò, chặt xương, pha thịt thành những phần khác nhau để cúng, để xào, nấu thịt đông, gói bánh chưng...Mỗi năm chỉ 1-2 lần được tận tay cầm miếng thịt nên người làm cẩn thận lắm, không bỏ phí một mẩu da, một miếng mỡ, cẩn trọng, gượng nhẹ...

Theo mẹ đi chợ tết

 Trong một bài hát rất hay về tết có câu "đàn trẻ thơ ngây thơ ngồi quanh bếp hồng trông bánh chưng chờ trời sáng". Chắc ngoài đời thật cảnh ấy cũng có. Nhưng ở xóm tôi việc này hầu như không thấy. Đơn giản vì trẻ con quá đông và quá hiếu động. Ngày xưa, kiềng sắt to hiếm lắm, người ta phải xếp gạch thành ba ông đồ rau, cố định hai bên mỗi ông bằng hai cọc tre đóng chặt xuống đất rồi bắc nồi bánh lên. Nồi bánh sôi sùng sục chênh vênh trên ba chồng gạch, bên dưới lửa cháy rừng rực là mối nguy lớn đối với lũ trẻ nghịch ngợm, trông bánh thì ít mà trông khoai nướng rồi cãi nhau chí chóe thì nhiều. Thay vào đó. chúng có niềm vui an toàn hơn, đó là theo mẹ đi chợ tết.

 Ngày xưa chợ tết nghèo, thực phẩm chủ yếu là măng, mộc nhĩ khô trên vùng rừng đưa xuống, rau củ quả bà con tự trồng, tôm cá tát ao hoặc đánh ở sông ngòi. Nhưng chợ cũng đông nghìn nghịt, đông hơn ngày thường rất nhiều. Hình như chính cảm giác phải chui lủi, chen lấn, len lỏi qua rừng chân người lớn làm trẻ con sướng mê thì phải. Đứa nào cũng nắm áo mẹ thật chặt cho khỏi lạc, mắt hấc lên, trố ra nhìn những gian hàng bán quần áo sặc sỡ,những đống bó lá dong xanh, đống khoai tây bắp cải, những phản thịt có cô bán hàng đeo tạp dề dính máu, tay cầm dao liếc vào thanh sắt mài xoèn xoẹt, xoèn xoẹt...Dân nghèo chả ai có nhiều tiền nhưng các bà đội thúng, xách làn hoặc kẹp cái bì tải vào nách mua mua bán bán trả giá lên xuống mỗi người một lời thêm vào chuỗi âm thanh ầm ào không ngớt của chợ tết...

 Sau khi kết thúc việc mua sắm, dù túng thiếu cỡ nào mẹ tôi cũng vẫn dẫn con vào hàng bán pháo giấy ngoài cổng chợ để mua một hoặc hai bánh pháo tép đỏ. Pháo này đẹp, tiếng nổ đanh giòn tuy nhiên chất lượng kém hơn pháo thời nay rất nhiều, quả nổ quả không. Vậy nên đêm giao thừa nổ xong, sáng ra bọn trẻ lại dậy sớm ra bới đống xác pháo hồng trước sân, kiểu gì cũng lượm được vài quả pháo tịt. Sáng mùng một bị cấm sang hàng xóm nhưng chúng vẫn lén lút gặp nhau sau đống rơm, cùng nhau hý hoáy tháo hết giấy pháo ra, lấy bột thuốc bên trong cho vào giấy học trò cuốn lại rồi đốt. Có đứa cháy xém cả bàn tay đi trạm xá ngay mùng một tết mà vẫn không chừa.

Nhớ tết ngày thơ bé

 Tôi lớn lên, dần trải qua nhiều cái tết, những cái sau vật chất luôn dồi dào hơn cái trước nhưng niềm vui do tết mang lại ít dần đi. Bố mẹ lần lượt khuất núi, anh chị em lập gia đình, xa nhà làm ăn, bạn bè- ngày xưa là những đối tượng để khoe áo mới, để so xem áo ai đẹp hơn, pháo nhà đứa nào nổ to hơn - giờ đều đã có gia đình, đã bị gánh nặng mưu sinh đè nặng. Tết đến là lo, y như cha mẹ mình đã từng lo ngày xưa. Tuy không phải lo vài cân thịt, phong bánh khảo hay bộ quần áo mới vì những thứ ấy giờ không chờ tết mới có nhưng vẫn phải lo, lo sao cho gia đình có cái tết tươm tất, bằng anh em, bằng bạn bè, bằng thiên hạ. Giờ tết vẫn là đoàn viên sum vầy nhưng còn đâu niềm vui thơ ngây, nỗi ngóng chờ tết trong trẻo vô tư của con trẻ. Tết đến, ngồi bên mâm cỗ cao đầy mà vẫn nhớ tết- tết của ngày thơ bé...

                          Copyright : Cốm Minh An

 

BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Làng Mễ Trì ( nay thuộc phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm ) là một làng có nghề làm cốm lâu đời tại Hà Nội. Những hạt lúa nếp non ngậm sữa , qua nhiều công đoạn với kỹ thuật cổ truyền, cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đã trở thành một món quà đặc sản mộc mạc mà thanh tao , thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của người Hà Nội.

Đọc tiếp

Hình ảnh Cốm Mễ Trì

Bài viết liên quan

3 món ngon làm rạng danh làng cốm Mễ Trì

 Ngõ 73 Mễ Trì Thượng là một đoạn đường cong cong chỉ dài khoảng 300 mét nhưng có tới bốn nhà bày bán cốm, giã cốm, làm bánh nằm cạnh nhau. Mùa thu, con ngõ như một Mễ Trì thu nhỏ với tiếng ch...

Trẻ con ngóng tết

  Với tôi, quãng đời tuổi thơ luôn đầy ắp kỷ niệm về những cái tết nghèo mà vui khôn tả. Thực ra khi đã lớn lên, hưởng cuộc sống vật chất đủ đầy, quay nhìn lại quá khứ thì nói rằng đó là ...

Sự khác nhau giữa cốm Vòng và cốm Mễ Trì

  Trên một trang bán cốm Vòng người ta viết : " Lưu ý Quý khách hàng đừng nhầm lẫn giữa cốm làng Vòng chính gốc với cốm được sản xuất ở các địa phương khác : Ví dụ như cốm Mễ Trì, cốm ở Thái B...

messenger zalo call