Hà Nội và gánh hàng rong
Hà Nội là một đô thị phát triển sầm uất hiện đại nhưng phía sau những tòa nhà cao vòi vọi, trong các con ngõ nhỏ quanh co của thành phố những người bán hàng rong vẫn len lỏi mưu sinh. Hình ảnh tần tảo, chân quê của họ tưởng đối lập song lại cực hài hòa với phố phường hoa lệ mà cổ kính, tạo nên nét rất riêng cho Thủ đô.
Hàng rong hoa quả - những người gánh mùa
Người bán hàng rong ở Hà Nội có rất nhiều, đa phần là người tỉnh lẻ. Người Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định bán hoa, củ quả, hành tỏi, đặc sản quê nhà như bánh gai, bánh tẻ, nem nắm, bánh cáy...Người Thanh Hóa bán nem chua, tăm bông, mũ, bấm móng tay, lót giày...Người "Hà Nội 2" Chương Mỹ, Hoài Đức, Đông Anh với lợi thế đường gần bán rau, gà vịt, cây cảnh, chổi nhựa hót rác...Nhưng gánh hàng tạo nên hương sắc và nét lãng mạn nhiều nhất là những gánh hàng rong hoa quả. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi họ là "những người báo mùa".
Theo nhà văn, lúc cả đất trời còn đang chìm trong giá lạnh mùa đông gặp một xe bán đào ngang phố ta lại thấy "mùa xuân lớn lao "đang về. Khi tháng 4 mùa xuân còn nấn ná chưa đi, những hàng hoa loa kèn trắng muốt đã xuất hiện giữa phố xá tấp nập, báo hiệu mùa hạ rực rỡ, mùa xoài vải nhãn và đặc biệt là mùa một loại quả mang hồn cốt Hà Nội : quả sấu chua. Khi những xe hoa cúc vàng như nắng thu " chầm chậm trôi trên đường" là lúc những mẹt hồng thắm, thị vàng, những sọt bưởi, thúng na xuống phố. Rồi đông đến, vây quanh xe hoa cúc họa mi trắng ngần, những thiếu nữ mua hoa yêu kiều mắt long lanh...
Những người báo mùa cũng chính là những người gánh mùa. Theo thời gian những gánh hàng chuyên chở mùa quả mùa hoa và những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dần trở thành mảnh ghép sinh động cho bức tranh xã hội đa sắc màu của thành phố.
Thân thương hàng rong quà vặt.
Thân thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ là các hàng rong quà vặt. Buổi sáng bốn mùa đều có hai " bảo bối" là xôi và phở. Nhưng phở gánh đồ đoàn rất lỉnh kỉnh nên giờ Hà Nội hầu hết hàng phở to nhỏ đều có cửa hiệu đàng hoàng. Riêng xôi vẫn còn người đi bán rong, nhiều người thích loại quà này vì rẻ và chắc dạ.
Mùa hè nóng nực hàng quà thiên về các món nước hoặc thanh mát : bún đậu, xôi chè, chè hoa cau, chè đỗ đen, đặc biệt có tào phớ, một loại quà xưa ngon và đẹp. Cô bán hàng cầm một mảnh vỏ con trai khẽ xiu rất nhẹ trên mặt nồi tào phớ rồi thả từng miếng vào cái bát con. Được độ lưng bát cô rót nước đường gừng ngâm hoa nhài hoặc hoa bưởi vào. Những miếng tào phớ nổi như mây trắng xốp bồng bềnh giữa bát nước đường nâu sậm. Xúc một miếng đưa vào miệng nó tan ra, ngọt thanh, thơm mát. Thật là một tấm quà quá đỗi dễ yêu!
Khi thời tiết chuyển lạnh quà rong cũng chuyển sang cốm, chè trôi tàu, bánh giò, trứng vịt lộn, trứng ngải cứu, cháo sườn quẩy giòn...Trời lạnh sâu những hàng ngô nướng khoai nướng luôn hút khách. Nhiều bạn trẻ có cái thú ấy. Hơ hai tay lên bếp, hít hà hơi ấm của lửa, hương thơm của ngô khoai đang nổ rắc rắc trên bếp, ngồi xích lại gần nhau để cảm nhận sự ấm áp giữa mùa đông Hà Nội lạnh giá, để mai nay lỡ xa lại quay quắt nhớ. Mà không nhớ những gì " hoành tráng" đâu, cứ da diết gói cốm thơm, bát canh sấu chua, tô phở khuya, bắp ngô với quầng than hồng nơi góc phố đêm...Dường như những điều đơn giản nhỏ bé lại lắng sâu, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ trong tâm hồn con người.
>>> Xem thêm : Trà đá vỉa hè góc nhỏ bình yên của Hà Nội
Gánh hàng rong- sợi dây nối của lịch sử
Ở Hà Nội, những người bán hàng rong hầu hết là những phụ nữ nông thôn nghèo, ban ngày ngược xuôi với gánh hàng, 10h đêm mới bưng bát cơm ăn tối, đêm ngủ co ro trên nền các phòng trọ thuê chung giá mỗi ngày 15-20 nghìn một người, 3-4 giờ sáng lại dậy lóc cóc đi lấy hàng. Trên vai những người phụ nữ bé nhỏ liêu xiêu dưới ánh đèn đường, trong làn sương sớm, giữa cơn mưa phùn là gánh nặng cơm áo gạo tiền cho đàn con ăn học, ông chồng ốm đau hoặc nát rượu ở quê, là trăm khoản phải lo trang trải cuộc sống.
Nghe thương cảm vậy nhưng nếu hỏi các ông trật tự phường về hàng rong các ông đều xua tay : Dẹp! Dẹp!...Lý do : nhếch nhác, cản trở giao thông, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đuổi chỗ nọ lại chạy chỗ kia...
Đó là vấn đề vĩ mô của các nhà quản lý. Còn chúng ta, những người yêu Hà Nội không chỉ vì phồn hoa phố thị mà còn bởi những góc nhỏ an yên, những mộc mạc dung dị xưa cũ của nó, hãy cứ mừng vì quyết định dẹp bỏ hàng rong của thành phố không được thực hiện.
Bởi vùng đất nào muốn phát triển bền vững đều cần duy trì những sợi dây nối của lịch sử. Đối với Hà Nội những sợi dây "chạm nhẹ đến ngàn năm" ấy có rất nhiều : là tháp Rùa, hồ Gươm, hồ Tây, là mái ngói xô nghiêng rêu phong dưới bóng cổ thụ thâm trầm, là 36 phố phường...và cả những gánh hàng rong.
Copyright : Cốm Minh An
Bài viết liên quan
Sự khác nhau giữa cốm Vòng và cốm Mễ Trì
Trên một trang bán cốm Vòng người ta viết : " Lưu ý Quý khách hàng đừng nhầm lẫn giữa cốm làng Vòng chính gốc với cốm được sản xuất ở các địa phương khác : Ví dụ như cốm Mễ Trì, cốm ở Thái B...
Sản xuất và bán hàng tại làng cốm Mễ Trì
Cốm ở đâu giữa lòng Mễ Trì? Nếu tham quan các làng nghề bạn sẽ gặp các sản phẩm của làng trưng bày ở nhiều không gian. Ví dụ vào Vạn Phúc bạn sẽ được ngắm các dải lụa rực rỡ treo dọc ph...
Trà đá vỉa hè-góc nhỏ bình yên của Hà Nội
Người Hà Nội nổi tiếng cầu kỳ tỉ mỉ trong phong cách sống cũng như ẩm thực. Nhưng có một loại hình ăn uống rất phổ biến tại Thủ đô được họ dành cho sự ưu ái đặc biệt, không đặt ra một qui đị...